Cũng như con người, vật nuôi cũng có những lúc mệt mỏi, không khỏe, hay nói cách khác là… mắc bệnh. Tuy nhiên, có một điều khác là thú cưng không có cách nói cho chúng ta biết rằng chúng đang cảm thấy khó chịu. Vì vậy, để tâm đến sức khỏe của vật nuôi là điều mà một người chủ nên làm. Bạn có biết rằng thú cưng thường sẽ “giấu diếm” tình trạng bệnh tật của mình không? Đó đơn giản chỉ là bản năng, vì nếu những con thú khác phát hiện chúng đang không khỏe thì chúng có thể dễ dàng bị tấn công hơn. Vì thế, bạn hãy chú ý những dấu hiệu bất thường ở thú cưng của bạn và lên kế hoạch chăm sóc một cách hợp lý nếu chẳng may các bé bị bệnh.
-
Dấu hiệu nhận biết thú cưng đang không khỏe:
Trước hết, sức khỏe của thú cưng sẽ thể hiện qua hành động hoặc vẻ bề ngoài. Nếu có bất cứ thay đổi gì, thì có thẻ bé ấy đã bị bệnh rồi đấy.
Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng không khỏe của thú cưng:
[-] Ăn ít hơn/ giảm khẩu vị
[-] Uể oải, thiếu sức sống
[-] Kiếm chỗ trốn
[-] Nôn hoặc tiêu chảy
[-] Có máu khi đi vệ sinh/ có máu trong phân
[-] Bụng trương lên
[-] Đi vệ sinh khó/ không thể đi vệ sinh
[-] Rụng nhiều lông
[-] Thường xuyên gãi/ liếm cơ thể
[-] Miệng/ tai/ da bốc mùi hôi
[-] Nổi hạch, bị sưng tấy
[-] Bị co giật/ cáu kỉnh vô cớ
[-] Ngồi dậy hoặc đi đứng khó khăn
[-] Phát ra những tiếng động lạ (rên rỉ..)
Nếu thấy những dấu hiệu đó, thì có thể sức khỏe vật nuôi của bạn đang gặp vấn đề gì đó. Đừng quá lo lắng mà hãy tìm cách chăm sóc và chữa trị để thú cưng khỏe lại.
Những dấu hiệu ở trên có thể chia làm hai nhóm:
[__] Nhóm 1: những dấu hiệu chưa quá nghiêm trọng, nhưng nếu kéo dài (từ 24 – 48 tiếng) thì cần phải đưa thú cưng đi gặp bác sĩ thú y. Đó là những dấu hiệu như: Uể oải, thiếu sức sống; chán ăn, kiếm chỗ trốn, rụng lông…
[__] Nhóm 2: những dấu hiệu nguy hiểm và bạn phải liên hệ với bác sĩ thú y ngay lập tức, đó là: không đi vệ sinh được, nôn, tiêu chảy, bụng trương lên, co giật, cáu kỉnh vô cớ và không đứng dậy nổi.
-
Cách chăm sóc thú cưng bị bệnh:
Hãy nhớ rằng, đối với những thú cưng có những triệu chứng bệnh nhẹ, bạn chỉ cần để chúng ở nhà và có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn thôi. Việc đưa thú cưng đến bệnh viện để chăm sóc chưa hẳn là điều tốt, vì nhà là nơi chúng quen thuộc hơn, có thể khiến thú cưng thư giãn và vì thế sẽ hồi phục tốt hơn là khi ở trong bệnh viện.
Ở nhà sẽ khiến thú cưng cảm thấy an tâm hơn
[-] Chế độ ăn uống:
Cũng như con người, khi mệt mỏi thì có thể thú cưng sẽ chẳng muốn ăn gì cả. Bạn cũng đừng quá lo lắng, việc nhịn đói một hay ngày có thể là một cách tự nhiên để vật nuôi thải những chất độc ra ngoài cơ thể. Lúc này, bạn chỉ cần cho thú cưng uống đủ nước để chắc chắn rằng bé ấy không bị mất nước – một chuyện hoàn toàn không tốt cho sức khỏe chút nào.
Tuy nhiên, nếu thú cưng của bạn chẳng chịu ăn gì trong khoảng thời gian dài, dẫn đến tình trạng sụt cân thì đã đến lúc bạn phải dụ nó ăn rồi. Thức ăn là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng trong đời sống hằng ngày, đặc biệt, khi vật nuôi đang bị bệnh thì việc ăn uống đủ chất sẽ giúp bé ấy hồi phục nhanh hơn. Bạn có thể kích thích sự thèm ăn của thú cưng bằng những món có mùi thơm nồng và hấp dẫn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những món mà vật nuôi của bạn thích ăn, đun nóng thức ăn lên để mùi thơm có thể tỏa ra nồng nhất và kích thích vị giác của vật nuôi. Trộn những loại thức ăn bổ dưỡng vào thức ăn mà thú cưng muốn ăn cũng là một bí quyết giúp bé ấy nhanh hồi phục.
[-] Theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi:
Việc này rất có ích vì bạn có thể dễ dàng biết được tình trạng vật nuôi có chuyển biến xấu hay không, hay đơn giản đây là tư liệu để bác sĩ thú y có thể chẩn đoán bệnh tình của vật nuôi. Bạn nên ghi lại những thông tin mình theo dõi được cho đến khi vật nuôi đã hồi phục hoàn toàn.
Những thứ cần theo dõi là:
[+] Nhiệt độ
[+] Mạch
[+] Lượng thức ăn/ nước mà vật nuôi đưa vào cơ thể
[+] Tần suất đi vệ sinh của vật nuôi. Chú ý kiểm tra phân/ nước tiểu
[+] Số lần và lượng thuốc mà bạn cho vật nuôi uống
[+] Sự thay đổi về mặt sinh lý (hoạt động có gì khác so với bình thường…) và tâm lý của vật nuôi (tâm trạng thế nào/ có vui vẻ không…)
[-] Chỗ ở và vệ sinh:
Khi bị bệnh, thú cưng thường rất nhạy cảm. Lúc này, chúng không hề muốn đùa giỡn, ghét tiếng ồn và chỉ thích ở một mình. Nếu nhà có trẻ con, bạn nên dặn dò chúng cách xa thú cưng. Đặt ổ của thú cưng vào một góc khuất (nếu có thể cho vật nuôi ở một phòng riêng thì tốt), yên tĩnh và riêng biệt trong nhà.
Vấn đề vệ sinh cũng rất quan trọng, vì vi khuẩn sẽ trực tiếp khiến bệnh tình của vật cưng càng thêm trầm trọng. Đừng tắm cho thú cưng nếu nó đang bị cảm hay chưa khỏe hoàn toàn. Có thể dùng một chiếc khăn ướt ấm lau người cho thú cưng rồi sấy khô cho bé ý.
Những bộ phận bạn nên chú ý khi vệ sinh cho thú cưng bị bệnh:
[+] Mũi: khi bị bệnh, mũi thú cưng có thể bị chảy nước hoặc là bị quá khô. Thấm ướt khăn lau nhẹ nhàng nếu mũi bị chảy nước. Nếu mũi quá khô, có thể dùng một chút dầu vitamin E để bôi lên đó, tránh tình trạng trầy xướt và rát (nên thực hiện 2 – 3 lần một ngày).
[+] Mắt: Dùng khăn thấm một chút nước muối để vệ sinh mắt cho thú cưng. Nên cẩn thận trong quá trình này vì có thể khiến các bé ấy khó chịu. Nếu sau khi vệ sinh xong, mắt thú cưng bị xót nhẹ thì bạn thể dùng nước sạch để làm dịu tình hình, nếu mắt cún cưng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn như bị loét, chảy máu… thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y.
[+] Tai: Thấm ướt một miếng bông gòn và nhẹ nhàng vệ sinh tai cho thú cưng.
[+] Hậu môn: Nếu thú cưng của bạn bị tiêu chảy, việc vệ sinh hậu môn là rất quan trọng để tránh nhiễm trùng, có thể khiến vùng hậu môn của bé ấy trở nên xót và rát, vì vậy bạn nên nhẹ nhàng lau vùng này cho thú cưng, có thể bôi thêm chút thuốc mỡ sau khi hoàn thành để giảm cảm giác khó chịu cho chúng.
[+] Da: Nếu thú cưng của bạn bị rụng lông, có dấu hiệu lở loét, ngứa và khó chịu, bạn nên vệ sinh kĩ vùng bị bệnh với nước muối hoặc chườm túi chườm đá. Trong quá trình này, bạn nên đeo cho thú cưng nhà mình một cái vòng cổ kiểu Elizabeth để tránh việc bé ấy liếm lên vết thương.
Vòng cổ kiểu Elizabeth để ngăn thú cưng liếm lên miệng vết thương
[-] Cho thú cưng uống thuốc:
Nếu thú cưng của bạn có những triệu chứng nghiêm trọng và cần đưa đến chỗ bác sĩ thú y, bạn chỉ việc đợi kết quả khám bệnh của bác sĩ và thực hiện theo lời bác sĩ dặn dò. Có thể vật nuôi sẽ được giữ lại để theo dõi hoặc đưa về nhà chăm sóc. Lúc này, một vấn đề nan giải lại xuất hiện, đó là cho thú cưng uống thuốc.
Chẳng có loại thuốc nào lại dễ uống cả, thú cưng ghét thuốc cũng là điều dĩ nhiên, vì vậy, cho bé ấy uống thuốc là một điều không hề dễ dàng. Kiên nhẫn, từ từ, dịu dàng là những gì bạn cần để thành công trong công đoạn gian khổ này.
[+] Với thuốc lỏng: Bơm thuốc vào ống xi-lanh, nhẹ nhàng đẩy mép thú cưng lên để tạo ra một cái lỗ nhỏ, giữ chặt đầu bé ấy và từ từ bơm thuốc vào. Sau khi kết thúc, đóng chặt miệng thú cưng và nhẹ nhàng vuốt cổ họng của nó để thuốc trôi xuống.
[+] Với thuốc viên: Giữ chặt thú cưng, nắm phần mõm trên của bé ấy và đút ngón tay vào phần lỗ trống dưới răng nanh. Dùng ngón cái và ngón trỏ của tay còn lại để nắm viên thuốc, những ngón còn lại đẩy phần mõm dưới xuống để miệng thú cưng mở ra đủ lớn. Nhanh chóng nhét thuốc vào cổ họng của thú cưng rồi vuốt cổ họng bé ấy để thuốc trôi xuống.
[+] Một cách hay ho nữa để “dụ” thú cưng uống thuốc đó là: trộn thuốc với cơm, hay nghiền nát thuốc rồi mới cho chúng uống. Tuy nhiên, với cách này bạn cũng nên cẩn thận và chắc chắn phải xin ý kiến của bác sĩ thú y trước khi thực hiện, vì có một số loại thuốc sẽ chỉ hiệu quả khi uống không, hoặc là không nên kết hợp với một số loại thức ăn/ uống nhất định khác.
Chú ý: Nếu tình trạng của thú cưng có dấu hiệu xấu đi, hoặc có những triệu chứng mới xuất hiện, đừng ngại ngần mà hãy liên lạc ngay với bác sĩ thú y vì điều này có thể biểu hiện rằng bệnh tình của chúng đã trầm trọng hơn. Bạn cũng nên đảm bảo rằng mình đã thực hiện đúng và đầy đủ chỉ dẫn của bác sĩ thú y và nhớ dẫn thú cưng đi khám lại cho dù trông nó chẳng còn chút bệnh tình nào cả. Tất cả vì sức khỏe thú cưng mà.