TÌM HIỂU TẤT TẦN TẬT VỀ GIỐNG CHÓ PHỐC SÓC (POMERANIAN)

1. NGUỒN GỐC GIỐNG CHÓ PHỐC SÓC

Người Việt hay gọi là giống chó này là Phốc sóc hoặc chó Pom. Cái tên Pomeranian được xuất phát từ tên vùng đất Pomerania, thuộc Trung Âu cổ (Đức ngày nay), là nơi xuất xứ của giống chó này. Tổ tiên của Pom (gọi tắt của Pomeranian) thuộc giống Spitz cổ, thường được giao cho nhiệm vụ chăn gia súc, sau đó chúng phân hóa thành giống Pomeranian từ thế kỷ 16.

Vào thế kỷ 18, công chúa Sophia kết hôn cùng Thái tử Anh (sau là vua George III) mang theo 2 chú Pom. Sự kiện này bắt đầu thời kỳ thịnh vượng của chó Pom ở Anh. Ở đây người ta còn gọi Pomeranian là Fox Dog do thân hình và bộ lông của chúng khá giống loài cáo. Sau đó Pom nhanh chóng khiến cả châu Âu phát sốt vì ngoại hình kiêu sa cùng tính cách sang chảnh của chúng và được cả thế giới biết đến vào thế kỷ 20.

Pom là giống được đặc biệt yêu thích ở Mỹ và Canada. Ở Việt Nam, khi phong trào nuôi chó cảnh phát triển rộng rãi khoảng năm 2003, cũng chỉ có những người giàu có mới có thể nuôi Pom vì lúc này chỉ có Pom nhập. Sau đó Pom bắt đầu được cho sinh sản và nhân giống ở nước ta nên giá thành cũng giảm xuống. Từ đó Pom mới có cơ hội tiếp cận đến nhiều người, dù có nhiều tiền hay không.

Còn riêng cái tên Phốc sóc, chữ Phốc xuất phát từ chữ Fox trong Fox dog, và người ta gọi là Phốc sóc để phân biệt với Phốc hươu của Việt Nam.

2. ĐẶC ĐIỂM NGOẠI HÌNH

Pom nhỏ như một món đồ chơi với cái đầu hình nêm, nhỏ nhắn, vai rộng, lưng ngắn, một số con có gương mặt giống như loài cáo, một số con khác lại giống như gấu, người ta hay gọi là Pom mặt cáo và Pom mặt gấu. Đôi mắt chúng hình quả hạnh, tròn xoe và hơi xếch, đôi tai dựng thẳng hình tam giác, nhỏ nhưng cân đối với khuôn mặt.

Nhỏ bé là vậy nhưng chúng lại có bộ lông rất đồ sộ, dày 2 lớp và dài. Lớp lông bên trong ngắn, mỏng, mềm mại, lớp lông ngoài thì dài, dày, bông xù và hơi thô cứng. Đặc biệt, lông cổ và ngực của Pom phát triển vượt trội, sau khi thay lông sẽ nhìn như chiếc bờm sư tử. Khi tự nhiên, đuôi Pom cuộn lên lưng, ngực ưỡn, đầu ngước cao.

3. KÍCH THƯỚC

Ban đầu, chó phốc sóc có kích thước cao lớn hơn, khoảng 40cm với cân nặng lên đến khoảng 14kg. Đến thế kỷ 20, nữ hoàng Victoria đã nhân giống và tạo ra giống Pom với kích thước nhỏ hơn, đáng yêu hơn.

Hiện tại chó Pom được xếp vào giống Toy dog với chiều cao từ 20 – 30 cm (tính từ vai đến mặt đất). Cân nặng trung bình từ 1.5 – 3.5kg. Những chú chó Pom cao dưới 20cm và nặng dưới 1.5kg thường được gọi là size Teacup, nhưng thật ra đây chỉ là những chú chó bị sinh non hoặc suy dinh dưỡng.

4. TÍNH CÁCH

Tính cách nổi bật của Pom là thông minh và sôi nổi. Pom ham học hỏi nên rất dễ dàng huấn luyện. Pom cũng khá độc lập, thuộc kiểu nhí nhảnh tự chơi tự vui nên không cần có quá nhiều đồ chơi. Đối với giống chó tinh nghịch như Pom, bạn nên dắt chúng ra ngoài chơi mỗi ngày để giải phóng bớt năng lượng, ít phá phách hơn.

Nghịch ngợm là vậy nhưng Pom lại sống rất tình cảm. Chúng quấn quýt với chủ và đặc biệt thích được ôm ấp, cưng nựng. Pom rất hòa đồng, thân thiện với các thành viên trong gia đình tuy nhiên lại không phù hợp để chơi với trẻ em. Trẻ em có thể giỡn mạnh bạo khiến Pom bị thương hoặc vô tình chọc giận khiến Pom nổi nóng mà cắn lại. Đây là giống chó thích hợp để bầu bạn với người lớn tuổi hơn.

Dù sở hữu thân hình nhỏ bé nhưng Pom lại là một giống chó được đánh giá là trông nhà rất tốt. Chúng cực kỳ cảnh giác với người lạ, tiếng sủa vang và liên tục không ngừng, chỉ ngừng sủa khi có lệnh hoặc người lạ đã đi khuất. Pom cũng rất trung thành và khá liều lĩnh. Chúng luôn sẵn sàng lao vào tấn công những con chó lớn hơn nếu bị đe dọa.

Sở hữu tính cách sang chảnh, Pom rất kén ăn và dễ bị nuôi chiều sinh hư. Hiện tượng chú chó nhỏ được cho ăn ngon mặc đẹp, chiều chuộng quá đà khiến chúng trở nên khó bảo, hay yêu sách và nghĩ rằng mình mới là chủ được gọi là “Hội chứng chó nhỏ”. Pom là giống rất dễ mắc hội chứng này.

5. KHÔNG GIAN SỐNG

Với tính cách sống động, tự lập và thân hình nhỏ bé, Pom không cần không gian sống rộng rãi. Chúng là giống chó đặc biệt rất thích hợp với cuộc sống trong những căn hộ hoặc nhà nhỏ không có sân.

6. NHU CẦU VẬN ĐỘNG

Pom thích chạy nhảy, nô đùa nhưng đi bộ là bản năng của chúng. Bạn nên dắt chúng đến nơi có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát để chúng thư giãn, thả lỏng bản thân mỗi ngày.

7. TUỔI THỌ

Phụ thuộc vào gen, vào điều kiện sống và chế độ dinh dưỡng, Pom có tuổi thọ trung bình từ 12 đến 16 năm.

8. MÀU LÔNG

Pom có bảng màu lông vô cùng đa dạng, lên đến khoảng 21 màu nhưng phổ biến nhất gồm màu trắng, kem, vàng lửa, đen, black tan, blue merle, party,…

 

9. SỨC KHỎE

Pom có hệ tiêu hóa yếu, dễ nôn mửa hay tiêu chảy nếu ăn phải thức ăn lạ. Phần đầu và chân là điểm yếu của Pom, chúng có thể bị trật xương khớp gối, khuỷu chân sau khi nô đùa quá đà. Bên cạnh đó, Pom có xu hướng bị bệnh tim, viêm nhiễm mắt, sâu răng, bị rụng răng và hói đầu khi về già.

10. CHĂM SÓC LÔNG

Do sở hữu bộ lông dài dày 2 lớp đồ sộ nên nếu nuôi Pom bạn cần phải dành kha khá thời gian để tắm táp chải chuốt cho chúng. Nên chải lông ít nhất 1 lần 1 tuần để lông Pom không bị rối, cắt tỉa lông cho Pom khoảng 3 tháng 1 lần. Bề ngoài như cục bông gòn di động, Pom là giống rụng lông nhiều, bạn nên chú ý làm sạch lông trên quần áo hay sofa trong nhà nhé. Ngoài ra, chải lông thường xuyên cũng là 1 cách để lấy lông rụng, giảm bớt tình trạng lông dính khắp nơi hiệu quả.

 

🏡 𝐌𝐞𝐠𝐚 𝐏𝐞𝐭 𝐒𝐭𝐨𝐫𝐞 – 𝐒𝐢𝐞̂𝐮 𝐓𝐡𝐢̣ 𝐏𝐡𝐮̣ 𝐊𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐕𝐚̀ 𝐒𝐩𝐚 𝐂𝐡𝐨́ 𝐌𝐞̀𝐨
⛰️ 𝐃𝐢̣𝐚 𝐜𝐡𝐢̉ : 𝟐𝟐𝟎 𝐌𝐢𝐧𝐡 𝐊𝐡𝐚𝐢 – 𝐇𝐚𝐢 𝐁𝐚̀ 𝐓𝐫𝐮̛𝐧𝐠 – 𝐇𝐚̀ 𝐍𝐨̣̂𝐢
☎️ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞 : 𝟎𝟑𝟔𝟔𝟖𝟖𝟖𝟏𝟑𝟒
🐶 𝐅𝐚𝐧𝐩𝐚𝐠𝐞 : 𝐦𝐞𝐠𝐚𝐩𝐞𝐭.𝐯𝐧

Bài viết liên quan